Trong ao nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh thường sử dụng các dụng cụ như: quạt nước chạy mô-tơ điện gắn hai hay bốn cánh quạt; quạt nước chạy máy nổ, có các ống chuyền lực gắn nhiều cánh quạt trên đoạn thẳng; máy nén khí, đưa xuống vùng đáy ao qua hệ thống ống mềm; máy thổi khí trực tiếp dưới đáy ao.
Khi nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh với mật độ 10-40 con/m2, cần phải có hệ thống tăng cường ô-xy cho ao, đầm; có thể sử dụng một trong những dụng cụ trên để cung cấp đủ lượng ô-xy cho vùng đáy ao (lượng ô-xy đạt tiêu chuẩn 4 mg/lít trở lên). Khi kiểm tra nếu thấy lượng ô-xy thấp hơn 4mg/lít thì hiệu quả sử dụng thức ăn giảm, nếu xuống mức 3mg/lít thì tôm giảm hoặc ngừng ăn, hoạt động yếu, di chuyển vào vùng nước nông ven bờ. Hiện tượng thiếu ô-xy trầm trọng thường xảy ra từ cuối tháng nuôi thứ ba trở đi.
- Hệ thống quạt nước chạy bằng máy nổ có nhiều cánh quạt trên cùng một trục, phù hợp cho những ao nuôi với mật độ thả 10-20 con/m2, mực nước trong ao 1,2 m. Khi hệ thống quạt nước hoạt động, lượng nước tung lên khỏi mặt nước, tiếp xúc với ô-xy trong không khí không nhiều, vận chuyển ô-xy từ tầng mặt xuống tầng đáy khó. Thực tế cho thấy, khi nuôi tôm với mật độ thả 25-40 con/m2, mực nước trong ao 1,4m, sử dụng quạt nước dạng cánh tay dài không cung cấp đủ ô-xy vào tháng nuôi thứ tư.
- Hệ thống quạt nước chạy bằng mô-tơ điện thường hoạt động mạnh, làm nước tung lên nhiều, dễ hấp thụ ô-xy trong không khí đưa vào ao nuôi và tạo dòng chảy mạnh, đưa ô-xy xuống lớp nước sâu hơn quạt nước cánh tay dài. Nhưng khi sử dụng hệ thống quạt nước chạy bằng mô-tơ dễ gây đục nước trong ao nuôi khi quạt chạy mạnh.
- Hệ thống sục khí đáy ao khi làm đúng kỹ thuật (sử dụng ống mềm 18 mm, lỗ thoát khí nhỏ, các ống đặt trên cùng mặt phẳng, cách mặt đáy ao 30 - 40 cm, công suất máy phù hợp diện tích ao nuôi) luôn cung cấp đủ ô-xy cho ao nuôi bởi vì hệ thống này lấy ô-xy trực tiếp trong không khí đưa thẳng xuống vùng đáy ao. Nhược điểm của hệ thống sục khí này thường bị con hàu, hà bám nhiều vào dây ngăn cản khí thoát ra, cần thường xuyên kiểm tra để loại bỏ vật bám. Khi nuôi tôm thâm canh có sử dụng chế phẩm vi sinh thì ô-xy vùng đáy ao rất quan trọng. Khi ô-xy đủ sẽ phát huy tối đa hiệu quả của chế phẩm sinh học, các chất thải và thức ăn dư thừa đều được phân hủy, đáy ao sạch. Lượng ô-xy đủ trong ao nuôi sẽ giúp tôm ăn khỏe, phát triển tốt. Nếu kết hợp hệ thống sục khí đáy ao với quạt nước thì việc cung cấp ô-xy cho ao nuôi là tốt nhất.
(Theo Trung tâm Khuyến ngư quốc gia)
SỤC KHÍ TRONG AO NUÔI TÔM SIÊU THÂM CANH
Trong ao nuôi tôm siêu thâm canh không thể thiếu được hệ thống sục khí. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại sục khí nào cho phù hợp, lắp đặt đúng cách và mang lại hiệu quả nhất lại không hề đơn giản.
Vai trò
Trong ao nuôi tôm nhất là nuôi siêu thâm canh, hàm lượng ôxy hòa tan (DO) là yếu tố quyết định sự sống cũng như quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm. Hàm lượng ôxy hòa tan trong nước là do sự khuếch tán không khí vào nước. Lượng ôxy này được tôm tiêu thụ bởi hô hấp và quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ, hoạt động của vi khuẩn cùng các phản ứng hóa học trong nước. Cùng với đó, nuôi tôm công nghiệp mật độ thả cao và ít thay nước, ngoài hàm lượng ôxy trong nước được tôm tiêu thụ thì một lượng ôxy cần thiết để phân hủy chất thải và các khí độc trong ao là rất lớn. Sử dụng sục khí không chỉ đơn giản để tăng lượng ôxy hòa tan trong nước mà còn để cho hầu hết các khu vực đáy áo sạch để có đủ không gian sạch cho số lượng tôm trong ao. Máy sục khí cho ao tôm cá là rất quan trọng nhất là với môi trường nuôi thâm canh và siêu thâm canh bởi công dụng của chúng không chỉ cung cấp ôxy cho nước ao mà còn giúp tạo dòng chảy nhằm gom tụ chất thải vào hố xi phông. Do đó, cần cân bằng ôxy cho tôm bằng cách sử dụng máy sục khí vừa giúp ức chế các loại tảo vừa cung cấp đủ lượng ôxy cần thiết cho tôm cả ngày lẫn đêm. Nhằm duy trì hô hấp của tôm và cân bằng hệ sinh thái trong ao nuôi cần phải tính toán và bố trí các thiết bị sục khí phù hợp.
Lựa chọn máy
Hệ thống sục khí thông thường bao gồm một máy nén không khí; một đầu máy bơm khí đặt trên bờ ao, có thể bơm khí xuống nước ao thông qua một loạt các ống dẫn khí. Máy nén khí được đưa xuống vùng đáy ao qua hệ thống ống, chính là các ống dẫn khí có đường kính 2 cm, đặt nằm ngang cách nhau 1 m và cách đáy ao 30 cm. Các điểm sục khí phân bố đều khắp ao khi máy hoạt động. Tùy thuộc vào mật độ nuôi, diện tích hay điều kiện kinh tế để người nuôi có thể quyết định lựa chọn loại sục khí nào phù hợp cho mô hình của trang trại. Có một số loại sục khí được sử dụng phổ biến như máy sục khí bơm, quay, phun, thác nước, khuếch tán, trọng lực, kiểu bánh xe quạt nước, kiểu cánh quạt khuếch tán không khí. Trong đó, mỗi loại sẽ có những ưu, nhược điểm khác nhau.
Với các loại sục khí tóe nước phổ biến là bơm thẳng đứng và sục khí quạt guồng. Các loại sục khí bơm thẳng đứng có nhược điểm là không giúp nước lưu thông tốt và phù hợp nhất cho các ao diện tích < 0,25 ha. Sục khí quạt guồng rất thích hợp cho các ao lớn hơn do tạo dòng chảy mạnh, tuy nhiên cũng có thể sử dụng một cách hiệu quả các loại sục khí quạt guồng nhỏ hơn trong các ao nhỏ 0,1 ha. Đối với loại sục khí bơm thẳng đứng và quạt guồng tốt nhất nên sử dụng trong ao có độ sâu khoảng 0,75 – 2 m.
Các loại sục khí bơm cánh quạt, khuếch tán có thể sử dụng đa dạng kích cỡ ao. Các loại này có khả năng tạo ra sự lưu thông nước sâu trong các ao có độ sâu hơn 2 m. Nên kết hợp giữa sục khí quạt guồng và sục khí bơm cánh quạt khuếch tán để có hiệu quả nhất trong trộn nước ao, đặc biệt là ở các ao sâu.
Trong khi các hệ thống khuếch tán không khí chỉ thích hợp nhất cho các ao rộng < 0,25 ha và phù hợp với các cụm liên kết các ao nhỏ trong đó một máy thổi khí có thể cung cấp không khí đến các ống khuếch tán ở nhiều ao. Tuy nhiên, hệ thống này có nhược điểm là hiệu suất kém ở các ao nước nông, vì thời gian lơ lửng của bong bóng trong nước quá ngắn nên khuếch tán ít ôxy vào trong nước. Hơn nữa, các hệ thống này không phù hợp cho các ao nuôi lớn bởi vì chiều dài ống quá dài và sử dụng nhiều ống khuếch tán.
Cách lắp đặt, bố trí
Nguyên tắc lắp đặt bố trí hệ thống sục khí cần nhớ chính là phải đảm bảo cung cấp đầy đủ ôxy cho tôm vừa tiết kiệm điện năng và giá thành phù hợp cho người nuôi.
Trong nuôi tôm thẻ siêu thâm canh, lắp đặt hệ thống sục khí cung cấp ôxy cho ao nuôi không hề đơn giản chút nào. Bởi, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào dòng nước và bùn trong ao. Chúng ta có thể lắp đặt ở hai loại môi trường là ngoài trời và tốt hơn là ở trong nhà, khi không có sự ảnh hưởng của gió. Đối với lắp đặt sục khí trong nhà, chúng ta chỉ cần xem xét tới dòng chảy của nước để ngăn chặn bùn lắng. Gió là một yếu tố quan trọng nhất khi xem xét để lặp đặt sục khí trong nhà kín. Nhà kính đôi khi được mở để thông gió và giảm sự gia tăng nhiệt độ nước gây nguy hiểm cho tôm nuôi. Do đó, gió vẫn có ảnh hưởng lớn trong việc thiết lập hệ thống sục khí.
Khi tôm nuôi ở mật độ cao, số lượng các thiết bị sục khí cần thiết cho mỗi ao phải được quyết định dựa trên các nguyên tắc: Hệ thống quạt nước 1 mã lực là đủ cho 440 kg tôm (kích cỡ trên 15 gram) trong hình thức nuôi không thay nước thường xuyên trong hai tháng đầu và không có cống xả trung tâm. Trường hợp có cống xả trung tâm, hoạt động trong suốt thời gian nuôi và nước ao nuôi được thay thường xuyên thì một mã lực có thể dùng cho 700 kg tôm. Nếu số lượng quạt không tương ứng với số lượng tôm, nhất thiết phải cài đặt thêm hệ thống quạt nước, đặc biệt trong các tháng cuối của quá trình nuôi (có thể đặt thêm 4 quạt nước gần trung tâm của ao). Trường hợp không thể đặt thêm quạt nước, nên tỉa thưa số lượng tôm (nhưng phải thực hiện khi tôm có sức khỏe), lượng tối ưu của hệ thống quạt nước phụ thuộc vào mục tiêu sản xuất. Tuy nhiên, quy tắc chung được khuyến nghị bởi những người nuôi tôm có kinh nghiệm ở Thái Lan là với tôm thẻ chân trắng, mật độ trên 80 con/m2, sẽ cần hệ thống quạt 36 mã lực/ha. Yêu cầu: vị trí đặt mỗi hệ thống phải được tính toán hợp lý. Các thiết bị sục nên đặt cách bờ bằng 1/3 chiều rộng của ao, để khoảng diện tích giữa ao cho các chất cặn lắng tụ gom vào. Có thể đặt hệ thống quạt cánh dài 3 mã lực gần các bờ của ao và 2 mã lực cho thiết bị thổi khí đáy (thiết bị thổi khí chỉ phù hợp với ao sâu và nền đáy chắc chắn, không thích hợp với các ao cạn và ao có đất cát vì khi máy hoạt động, sẽ thổi tung các chất thải lắng, làm đục nước ao). Khi đã lắp đặt xong các hệ thống sục khí, cùng lúc bật tất cả các hệ thống, nếu thấy nước chảy vòng quanh khắp ao, chứng tỏ số lượng lắp đặt là đủ, ao sẽ được giữ sạch.
Trước kia, sục khí được bố trí trong các ao nuôi tôm để tạo một dòng chảy vòng tròn, nhưng kiểu này thường tạo cặn lắng ở vùng giữa ao. Người nuôi tôm bây giờ có xu hướng lắp đặt sục khí tương đối đều khắp bề mặt ao để bùn cặn lắng lan đều hơn trên đáy. Cho dù áp dụng mô hình lắp đặt sục khí nào thì đều cần phải chú ý giữ cho dòng nước mạnh không làm xói mòn bờ và tăng cặn lắng đọng trên đáy ao. Trong các ao tôm cách hợp lý là sử dụng nhiều sục khí nhỏ để cung cấp sự thông khí tương đối đều khắp toàn bộ diện tích ao.
Phương Đông
http://vietkobio.com