Tốt nghiệp Đại học ngành kinh tế, có công việc ổn định tại TP.Hồ Chí Minh nhưng anh Lý Hữu Đức (SN 1988, ngụ KP.Long Phượng, TT.Long Điền, huyện Long Điền) lại quyết định về quê làm nông nghiệp và đã thành công nhờ mô hình ương cá giống và nuôi vẹt cảnh.

Căn nhà đang ở của anh Lý Hữu Đức (phải) đặt cả trăm lồng để nuôi vẹt đẻ trứng.
Căn nhà đang ở của anh Lý Hữu Đức (phải) đặt cả trăm lồng để nuôi vẹt đẻ trứng.

Từ ương cá giống...

Sau khi học hỏi kinh nghiệm từ các trang trại và tham khảo sách báo, internet cộng với những kiến thức sẵn có, anh Đức nhận thấy địa bàn ấp An Thạnh, xã An Ngãi (huyện Long Điền) thuận tiện giao thông và nguồn nước cũng thích hợp cho việc ương giống cá mú.

Những năm qua, nuôi cá mú ở xã An Ngãi đã mang lại thu nhập cho nông dân nơi đây nhưng nghề này vẫn chưa phát triển. Nguyên nhân chính là do con giống thả nuôi chủ yếu đánh bắt từ tự nhiên nên số lượng ít, nhiều kích cỡ nên hiệu quả chưa cao. Vì vậy, để chủ động nguồn giống, đầu năm 2022, anh Đức đã mạnh dạn đầu tư 4 ao ương cá giống trên diện tích khoảng 1ha nhằm phục vụ nhu cầu nuôi cá mú thương phẩm cho người dân trong tỉnh.

“Sau khi tuyển chọn mua trứng cá mú từ những cơ sở cung cấp giống uy tín, tôi cho vào bể ấp, thu những cá thể cá bột khỏe mạnh, loại bỏ cá bột yếu và thả vào ao nuôi. Đồng thời, tiếp tục bảo đảm môi trường nước, nhiệt độ, các yếu tố sinh hóa ao nuôi, cung cấp nguồn thức ăn ấu trùng phù hợp, đúng liều lượng cho cá; duy trì sục khí suốt quá trình ương nuôi từ 2-2,5 tháng, đến khi cá bột đạt kích cỡ từ 5-7cm thì có thể xuất bán cá giống”, anh Đức nói và cho biết thêm, mỗi năm, các ao ương của anh sản xuất từ 2-3 triệu con cá mú giống, cá chẽm giống cung cấp cho người nuôi trong tỉnh.

Đến nuôi vẹt cảnh

Không những thành công với ương cá giống, anh Đức còn là người nổi tiếng với mô hình nuôi vẹt cảnh. Từ vài con vẹt cảnh nuôi ban đầu, đến nay trong tay anh đã có hơn 300 con, từ vẹt yến phụng, vẹt Mã Lai, vẹt Mắc Ca… đến vẹt xám châu Phi.

Theo anh Đức, vẹt được coi là thú cưng, bởi chúng đa dạng về chủng loại, màu sắc, kích thước và hình dáng. Ngoài ra, loài vẹt là loài có chỉ số thông minh cao, biết làm trò, biết nói chuyện với con người và thậm chí là nhảy múa. “Ngược lại với vẹt Yến Phụng, vẹt xám châu Phi có chỉ số IQ cao nhất. Chúng có khả năng nói nhiều và nói rất tốt, sống rất tình cảm và quấn quít chủ. Tuy nhiên, chúng có nhược điểm là kỹ thuật bay ở mức trung bình, lông nhiều bụi phấn và màu sắc không có sặc sỡ như các giống vẹt khác”, anh Đức chia sẻ.

Không chỉ nuôi, anh Đức còn học cách giúp chim vẹt đẻ trứng, cho ấp nở để cung cấp cho người đam mê nuôi vẹt cảnh. Từ năm 2022 đến nay, anh đã bán được hơn 100 con vẹt cảnh và vẹt sinh sản, với giá bán dao động từ 1,5 triệu đồng đến vài chục triệu đồng mỗi con (tùy giống vẹt).

“Hiện tôi đang tiếp tục mở rộng quy mô ao ương cá giống, nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc để nâng cao tỷ lệ sống trong sản xuất giống cá mú, cá chẽm và tiến tới sản xuất nguồn giống đại trà. Đồng thời, sưu tầm các loài vẹt đẹp để nhân giống cung cấp cho người đam mê nuôi chim cảnh trong và ngoài tỉnh. Mô hình ương cá giống mang lại cho gia đình tôi thu nhập 3-5 tỷ/năm, còn nuôi vẹt cảnh hơn 300 triệu/năm”, anh Đức vui vẻ nói.

Bài, ảnh: TRỌNG LUÂN - PHAN THẢO

https://www.baobariavungtau.com.vn/

Cây dược liệu cây Tam thất hoang - Panax bipinnatifidus Seem
...
Kinh nghiệm du lịch vùng sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My - Quảng Nam
...