Hơn chục năm nay, anh Lê Anh Tuấn (xã Bình Châu, Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) trồng mận An Phước bằng cách cho “ngủ mùng”, để mỗi năm thu tiền tỷ.
ứ tưởng trồng mận An Phước đặc sản cho "ngủ mùng" là bước đột phá của nông dân chỉ những năm gần đây, nhưng theo anh Tuấn, anh đã làm việc này hơn chục năm trước.
Đột phá trồng mận An Phước cho "ngủ mùng"
Hiện, anh Tuấn đang trồng mận An Phước với diện tích 6.000m2. Toàn bộ diện tích mận đặc sản này được anh Tuấn bao phủ bởi một lớp lưới, nhằm chống ruồi vàng đục trái.
Anh kể, thời gian đầu anh trồng mận An Phước theo phương pháp truyền thống. Cứ đến vụ mận là anh tất tả tìm thuê nhân công bao trái, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ ruồi vàng tấn công trái. Tất cả các công việc này ngốn của anh khoảng 100 triệu đồng/vụ.
"Tới vụ mận tôi rất căng thẳng. Không thuê nhân công bao trái thì xem như vụ đó làm cho ruồi vàng ăn. Mà thuê nhân công bao trái thì làm cho nhân công ăn", anh Tuấn bộc bạch.
Đang nghĩ mãi vẫn chưa tìm ra cách bảo vệ vườn mận khỏi ruồi vàng, anh Tuấn tình cờ thấy bà con nông dân trồng rau trong nhà lưới để phòng chống sâu hại, nên nghĩ sẽ làm theo cách này.
Về nhà, anh thử nghiệm cho tỉa bằng ngọn các gốc mận rồi mua lưới phủ kín. Vụ mận năm ấy, mấy gốc mận được phủ lưới không bị ruồi vàng đục trái, là một bước đột phá lớn của anh Tuấn trong việc chống loài ruồi vàng gây hại này.
Vụ mận đầu tiên năm 2012, anh bắt đầu đầu tư nhà lưới trên cả diện tích vườn mận với kinh phí 270 triệu đồng.
Ngoài chống ruồi vàng đục trái, anh Tuấn còn tính đến trồng mận An Phước an toàn phục vụ thị trường. Bởi hướng đến sản xuất an toàn, nên từ đây anh Tuấn sử dụng chủ yếu phân chuồng ủ hoai cho vườn mận.