Cơ hội xuất khẩu nhãn vào thị trường Úc Nhãn Bến Tre đã được thị trường Mỹ chấp nhận nhập khẩu vào năm 2014; đến đầu năm 2018, nhãn Bến Tre tiếp tục nhận được sự quan tâm của thị trường Úc - thị trường được phía Việt Nam đánh giá là đầy tiềm năng xuất khẩu trái cây. Các chuyên gia từ Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Nước của Úc vừa có chuyến khảo sát vùng trồng nhãn tại Bến Tre vào ngày 05/02/2018 nhằm hoàn chỉnh hồ sơ để nước này đưa ra quyết định nhãn Bến Tre có lên đường vào Úc hay không. 15349_2622018134840_23623_XL.jpg Ông Nguyễn Văn Thượng - Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về trái nhãn Bến Tre trong buổi tiếp đoàn chuyên gia Úc khảo sát vùng trồng nhãn Bến Tre. (Ảnh: Thạch Thảo) Triển vọng giống nhãn có năng suất, chất lượng cao Toàn huyện Bình Đại có khoảng 1.800 ha đất trồng nhãn các loại, các xã có diện tích trồng nhãn nhiều nhất gồm Tam Hiệp, Long Hòa, Châu Hưng và Thới Lai. Trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích trồng nhãn Ido tại huyện Bình Đại ngày càng phát triển, nhiều nông dân đã chuyển đổi từ giống nhãn quế sang nhãn Ido. Chỉ tính riêng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Long Hòa có 22 thành viên với 24 ha, thì đã có đến 11 ha là nhãn Ido. Với chất lượng trái thơm ngon, cơm dày, nhãn Ido được nhiều thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, đầu ra được xem là khá ổn định. TS. Đoàn Hữu Tiến - phụ trách Bộ môn Nghiên cứu thị trường thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam cho hay: Người nông dân vùng trồng nhãn huyện Bình Đại có kinh nghiệm và kỹ thuật đầu tư thâm canh, sản xuất theo hướng an toàn (GAP) từ rất lâu. Do đó, sản phẩm nhãn có chất lượng tốt, năng suất cao, nhãn Ido hiện đang có thị trường nội địa và xuất khẩu. Một số thành viên HTX Nông nghiệp Long Hòa là thương lái cũng thông tin rằng, thị trường chợ đầu mối nông sản Thủ Đức rất hút loại nhãn này. Bên cạnh đó, qua hơn 1 năm (từ tháng 10/2016 đến nay) thực hiện mô hình “Trồng nhãn Ido trên đất lúa chuyển đổi tại hai xã Châu Hưng, Long Hòa” do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai, bà Võ Thị Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre cho biết: “Nhãn Ido là giống nhãn mới có năng suất, chất lượng cao, ít bệnh và đặc biệt là kháng được bệnh chổi rồng. Giống nhãn này được đánh giá là rất phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”. Ông Võ Văn A, ngụ ấp Long Thạnh, xã Long Hòa cho biết: Trước đây gia đình tôi trồng lúa 3 vụ/năm, mỗi năm tôi lãi khoảng 2 triệu đồng/công đất. Tôi đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa sang trồng nhãn quế và nay là nhãn Ido. Với năng suất nhãn Ido bình quân từ 700kg đến 1 tấn/công đất/năm, giá bán hiện tại 25 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nông dân lãi khoảng 10 triệu đồng/công đất/năm. 15349_2622018134748_23622_XL.JPG Chuyên gia Úc khảo sát vùng trồng nhãn Bến Tre. (Ảnh: Thạch Thảo) Được biết, nhãn Ido lớn nhanh nên chúng rất chịu nước, do đó nhà vườn muốn trồng loại nhãn này phải đầu tư hệ thống tưới tự động. Hiện sử dụng hệ thống tưới trong nước sản xuất, mỗi công đất chỉ tốn 2,5 triệu đồng. Nếu sử dụng hệ thống tưới Israel, mỗi công đất tốn chi phí 7 triệu đồng. Để không bị hụt quá nhiều nguồn thu khi đốn bỏ vườn nhãn quế sang trồng nhãn Ido, một số nhà vườn trồng ổi xen lúc cây nhãn Ido còn nhỏ (để có thêm hoa lợi), khi cây nhãn lớn sẽ loại bỏ dần cây ổi. Cơ hội xuất khẩu Các chuyên gia từ Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Nước của Úc cho biết, việc khảo sát nhằm hoàn chỉnh hồ sơ để quả nhãn Việt Nam vào thị trường Úc, trong đó các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến dịch hại liên quan đến quả nhãn. Tiếp đoàn chuyên gia Úc có, đại diện Viện cây ăn quả miền Nam, đại diện lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại, lãnh đạo xã Long Hòa, doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu trái cây và nông dân trồng nhãn. Sau chuyến thực tế tham quan vườn trồng nhãn của ông Nguyễn Hữu Thanh - Thành viên HTX nông nghiệp Long Hòa, huyện Bình Đại, một chuyên gia trong đoàn công tác của Úc đã chỉ ra nhiều loại sinh vật có lợi, hay còn gọi là thiên địch chống sâu bệnh đang có trong vườn nhãn mà đoàn đã khảo sát. Vị này cho rằng đó là tín hiệu vui vì nếu sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu, các sinh vật này sẽ không thể tồn tại trong vườn nhãn. Không chỉ nông dân mà các nhà quản lý từ huyện đến tỉnh, đại diện Viện Cây ăn quả miền Nam đều phấn khởi trước nhận định này của các chuyên gia Úc. Trước câu hỏi của các chuyên gia Úc về vai trò của nhà khoa học đối với quả nhãn Bến Tre, TS. Lê Quốc Điền - Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, đơn vị trực thuộc Viện Cây ăn quả miền Nam nói: “Nông dân Bình Đại ham học hỏi và rất thích áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nơi nào có nhu cầu và đón chào thì nơi đó các nhà khoa học sẽ có mặt để hỗ trợ người nông dân”. Hiện vùng trồng nhãn của HTX nông nghiệp Long Hòa có thâm niên 8 năm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX này cũng đã nộp hồ sơ đăng ký thương hiệu “Nhãn Long Hòa” tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Tuy còn phải qua rất nhiều khâu để quả nhãn Bến Tre vào thị trường Úc nhưng đây là tín hiệu vui cho quả nhãn Bến Tre nhân dịp đầu năm 2018. http://www.bentre.gov.vn
An toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp
An toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp Tuy nhiên, bên cạnh việc thụ hưởng những thành tựu về khoa học –  kỹ thuật, người nông dân hằng ngày phải t...
Gặp nông dân trồng lúa “thảo dược”
Gặp nông dân trồng lúa “thảo dược” Trồng lúa, xay gạo để nấu cơm, chế biến bột, làm bún, làm bánh… là chuyện bình thường, nhưng chế biến gạo thành trà...