HƯỚNG TỚI 20 NĂM NGÀY TÁI LẬP TỈNH

Nông nghiệp Bình Phước: Cần quy hoạch tổng thể

7:02
14/09/2016
0

BP - “Bình Phước được mệnh danh là tỉnh nông nghiệp mà chẳng có khu nông nghiệp công nghệ cao nào. Lâu nay chúng ta cứ lo quy hoạch rồi không biết bán sản phẩm cho ai. Hãy quên đi, thị trường có sẵn rồi. Ta vừa làm vừa xây dựng thương hiệu. Ta đã quy hoạch được các khu công nghiệp để thu hút đầu tư, còn khu nông nghiệp tập trung tại sao không?” - nhà nông Dụng Quý Đông băn khoăn đặt câu hỏi cho việc quy hoạch những vùng cây ăn trái mang thương hiệu Bình Phước sau 20 năm gắn bó với nghề nông.

ĐI TÌM CÂY CHIẾN LƯỢC “Những năm 90 của thế kỷ trước, giá mỗi cây sầu riêng giống dao động từ 400-500 ngàn đồng, tương đương 1 chỉ vàng lúc bấy giờ. Mặc dù giá cao như thế nhưng phải đặt mua qua thương lái, không ai biết cây, trái sầu riêng tròn méo, thơm ngon thế nào. Là nhà nông, không ai dám cầm chỉ vàng của mình đặt xuống đất mà không biết hình thù của nó. Mãi đến năm 2000, nhờ phương pháp ghép phát triển nên giá cây giống sầu riêng rớt xuống còn khoảng 200 ngàn đồng/cây. Tôi đánh liều đem nửa cây vàng đi bán để mua 24 cây sầu riêng về trồng xen trong vườn cà phê. Đến khi cây cho trái chỉ còn lại đúng 12 cây. Vụ mùa vừa rồi tôi thu 40 triệu đồng” - nhà nông Đoàn Văn Dũng, ngụ thôn 6, xã Đức Liễu (Bù Đăng) nhớ lại câu chuyện đầu tư cây sầu riêng của mình hơn 20 năm trước.
Sau khi tìm hiểu, khách hàng thuộc hệ thống Siêu thị ITIMEX, Đà Nẵng, đặt hàng cung cấp trái cây với chủ trang trại Quý Đông tại Hội chợ quốc tế thương mại du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2016 nhưng không có hàng để cung cấpSau khi tìm hiểu, khách hàng thuộc hệ thống Siêu thị ITIMEX, Đà Nẵng, đặt hàng cung cấp trái cây với chủ trang trại Quý Đông tại Hội chợ quốc tế thương mại du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây - Đà Nẵng 2016 nhưng không có hàng để cung cấp
Năm 2002, gia đình anh Từ Văn Hùng, ngụ thôn 1, xã Đức Liễu đầu tư 300 cây sầu riêng giống Ri6 trên tổng diện tích 1,5 ha. Vụ mùa vừa qua, vườn sầu riêng của anh cho sản lượng khoảng 30 tấn. Mức đầu tư bình quân 300 ngàn đồng/cây. Giá bán bình quân tại vườn 25.000 đồng/kg. Với sản lượng và giá như thế, 300 cây sầu riêng đã mang về cho gia đình anh Hùng 600 triệu đồng sau khi trừ chi phí. 1,5 ha đất nông nghiệp cho thu nhập 600 triệu đồng mỗi năm là mơ ước của người làm nông.
Toàn tỉnh hiện có 828 ha sầu riêng, trong đó 643 ha đang cho thu hoạch với sản lượng bình quân 2.510 tấn. Bưởi da xanh là cây trồng cho thu nhập cao nhất trong tất cả loại cây ăn trái nhưng toàn tỉnh hiện chỉ có khoảng 160 ha.
Năm 2010, ông Dụng Quý Đông ở ấp Suối Đôi, xã Tân Hưng (Đồng Phú) tự cưa 8 ha cao su 10 năm đang trong thời kỳ khai thác vàng son của gia đình để trồng 7 ha sầu riêng và 1 ha bơ. Vụ mùa vừa qua, vườn sầu riêng của gia đình ông cho trái bói với sản lượng 30 tấn, thu về 1,2 tỷ đồng. Năm 2005, không trồng sầu riêng, ông Đăng Văn Siêu ở ấp 2, xã Minh Lập (Chơn Thành) trồng 1 ha bưởi da xanh. Vườn bưởi của gia đình ông những năm qua đạt năng suất bình quân 20 tấn. Với giá 50.000 đồng/kg tại vườn, vụ mùa vừa qua vườn bưởi da xanh của gia đình ông Siêu thu cả tỷ đồng. Tại thị xã Phước Long, vườn bưởi da xanh 1,5 ha của gia đình anh Nguyễn Văn Sanh sau 8 năm cũng cho thu nhập 750 triệu đồng mỗi năm. 9 sào bưởi da xanh của nhà nông Lưu Chí Cường ở phường Tân Phú (Đồng Xoài) cũng cho thu nhập thấp nhất 400 triệu đồng/năm.  THỊ TRƯỜNG LỚN - SẢN LƯỢNG NHỎ Từ trước đến nay, Bình Phước thường lấy các loại cây trồng như điều, cao su làm cây chiến lược. Thế nhưng trên thực tế, nguồn thu từ mỗi ha bưởi da xanh có thể ngang bằng 6 ha cao su, 4 ha điều. Ấy vậy mà diện tích bưởi da xanh hiện nay chưa có con số thống kê rõ ràng từ cơ quan hữu quan. Còn sầu riêng đã quá rõ, mỗi ha cây trồng này tương đương với 4 hoặc 5 ha điều. Với sản lượng 2.510 tấn sầu riêng như hiện nay, vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. Sau 20 năm gắn bó với nghề nông, chủ trang trại Dụng Quý Đông kiêm luôn nhà cung cấp trái cây cho hệ thống siêu thị Co.op Mart. Sau 5 năm làm nhà cung cấp trái cây, ông Đông cho rằng sản lượng sầu riêng của Bình Phước hiện chỉ mới đáp ứng được 10% nhu cầu trong nước, còn thị trường thế giới thì “đừng mơ tới vì có đâu mà xuất khẩu”.
Nhà nông Lưu Chí Cường với 9 sào bưởi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm sau khi trừ cc khoản chi phíNhà nông Lưu Chí Cường với 9 sào bưởi cho thu nhập 400 triệu đồng/năm sau khi trừ cc khoản chi phí
Chị Nguyễn Thị Hương, tiểu thương ở xã Tiến Hưng (Đồng Xoài) mỗi ngày thu mua từ 20-30 tấn sầu riêng cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước. Để có được nguồn hàng ấy không chỉ dựa vào diện tích sầu riêng của Bình Phước mà chị còn lặn lội đến tận nhà vườn ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Nai thu mua. Sau 10 năm gắn bó với nghề buôn sầu riêng, chị cho biết, năm nào cũng có các thương lái nước ngoài đặt hàng với số lượng cả trăm tấn nhưng không có hàng ổn định để giao nên phải chấp nhận tình cảnh mua đứt bán đoạn. “Ai không muốn làm ăn lớn, ai không biết trực tiếp xuất khẩu sẽ mang lại lợi nhuận cao nhưng mình không có hàng đành chịu” - chị Hương chia sẻ. CẦN MỘT QUY HOẠCH TỔNG THỂ
Đừng e ngại quy hoạch. Nếu mình có sản phẩm ổn định thì thị trường sẽ tự tìm đến mình. Bao lâu nay, thị trường đã tìm đến mình để ký kết tiêu thụ sản phẩm nhưng thử hỏi có doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh Bình Phước dám ký với người ta không? Đơn giản là diện tích, sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm từ cây ăn trái của chúng ta còn manh mún, không đủ số lượng và chất lượng theo đơn đặt hàng của đối tác nên mất cơ hội xâm nhập thị trường thế giới. Do vậy, việc quy hoạch lại từng loại cây trồng, từng vùng cây trồng tập trung là điều cấp thiết nếu ngành nông nghiệp Bình Phước muốn “bơi ra biển lớn”. Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Đạo, Trưởng phòng Thông tin và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh
Bình Phước nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung được thiên nhiên ưu đãi cả về thổ nhưỡng lẫn khí hậu nên rất thuận lợi đầu tư phát triển diện tích cây ăn trái. Bình Phước lại có ưu thế nhiệt độ bình quân hằng năm dao động từ 25-290C nên mang đến lợi thế trái cây chín sớm so với các tỉnh trong khu vực. Riêng cây bưởi da xanh và sầu riêng không phải vùng đất nào cũng trồng được. Ngay cả Bình Phước, mặc dù có cùng biên độ nhiệt độ, gió mùa, mưa nắng như nhau nhưng không phải vùng đất nào cũng trồng được cây sầu riêng. Theo nhận định của Viện cây ăn trái miền Nam, trừ vùng đất thuộc Chơn Thành và Hớn Quản, các huyện còn lại đều rất thích hợp phát triển cây sầu riêng cũng như các loại cây ăn trái khác. Không chỉ thế, các sản phẩm nông nghiệp từ cây ăn trái của Bình Phước phần lớn có chất lượng thơm, ngon hơn các tỉnh, thành khác nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khá lý tưởng. Từ sầu riêng đến bưởi da xanh, cam, quýt, bơ, măng cụt đều là những cây trồng rất thích hợp trên vùng đất Bình Phước. Thị trường trong, ngoài nước đã và đang chứng minh tiềm năng phát triển các loại cây trồng này vô cùng to lớn. Để phát triển được diện tích cây ăn trái nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung trước hết phải tính đến một quy hoạch tổng thể. Từng loại cây trồng, vật nuôi gắn liền với từng vùng đất có đủ điều kiện đáp ứng cho loại cây trồng, vật nuôi ấy. Doanh nghiệp nào, nhà nông nào muốn trồng cây gì, nuôi con gì thì tổ chức đấu giá công khai để thuê khu nông nghiệp ấy làm ăn. Như vậy, Nhà nước vừa có nguồn thu ngân sách vừa giải quyết được việc làm cho người dân và cả doanh nghiệp làm nông nghiệp. Một khi có khu nông nghiệp tập trung sẽ đưa được kỹ thuật - khoa học, công nghệ cao vào đồng ruộng. Sản phẩm nông nghiệp nhờ đó giảm được giá thành mà chất lượng và sản lượng lại tăng cao. Khi ấy ngành nông nghiệp Bình Phước sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh để phát triển toàn diện trên thị trường rộng lớn. Đông Kiểm báo Bình Phước  
Nông nghiệp tây ninh – nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao ‘dạm ngõ’
Nông nghiệp tây ninh – nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao ‘dạm ngõ’ Tây Ninh vừa thông qua chủ trương ưu đãi đầu tư và khởi động chương trình tái c...
Kinh nghiệm trồng khoai tây vụ đông
Kinh nghiệm trồng khoai tây vụ đông Khoai tây vụ đông đã được nhiều địa phương chú trọng vì cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian sin...