Ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau "sạch"

Thời gian qua, mô hình trồng rau trong nhà lưới, trồng rau theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP đã được triển khai ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, việc trồng rau trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP bằng công nghệ cao thì còn khá mới mẻ. Đây là xu thế đang được ngành Nông nghiệp quan tâm. Để thúc đẩy và nhân rộng phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng này, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ) đã triển khai mô hình trồng rau trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Mô hình nằm trong đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế đóng gói và bảo quản sau thu hoạch thuộc Chương trình ứng dụng công nghệ cao sản xuất các loại rau, hoa theo hướng công nghiệp đô thị do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh chuyển giao.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.
Mô hình trồng rau trong nhà lưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel.
Để triển khai mô hình, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ Sinh học đầu tư nhà lưới kín với diện tích 60 m2 và hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel. Nhà lưới kín này có tác dụng giúp hạn chế giọt mưa trực tiếp gây giập lá; giảm bớt lượng ánh nắng chiếu vào dễ làm cho rau bị héo. Còn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt giúp kiểm soát lượng dinh dưỡng, nước cung cấp cho rau nhằm không gây lãng phí dinh dưỡng trong quá trình cung cấp, không làm dư hàm lượng đạm trong rau; đồng thời duy trì độ ẩm tốt thúc đẩy rau phát triển nhanh. Theo đó, trước khi thực hiện mô hình, Trung tâm đã tiến hành ươm giống cải xanh trong 10 ngày, xử lý thuốc ở các luống trồng để diệt mầm bệnh, ấu trùng có thể gây hại cho rau. Sau khi hoàn thành các công đoạn trên, Trung tâm tiến hành cấy giống cải xanh vào 3 luống trồng trong nhà lưới đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel với diện tích trồng 32 m2. Kết quả, trong suốt quá trình sinh trưởng, phát triển, rau không xuất hiện sâu bệnh gây hại nên trung tâm không phải phun bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Cây rau cao, lớn, đẹp; lá xanh vừa phải. Anh Nguyễn Quốc Trung, cán bộ phụ trách mô hình, cho biết thời gian từ trồng đến khi thu hoạch rau khoảng 25 ngày, năng suất ước đạt 3 kg/m2. Theo anh Trung, trước đây, trung tâm đã từng triển khai và chuyển giao mô hình trồng rau trong nhà lưới hở với hệ thống tưới tự động theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Long An (huyện Châu Thành) đạt kết quả khá tốt. Còn mô hình trồng rau ăn lá trong nhà lưới kín, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt này thì chỉ mới triển khai lần đầu tiên. Theo chiết tính, chi phí cho sản xuất và khấu hao đầu tư khoảng 10.000 đồng/m2, giá bán cải xanh hiện nay tại siêu thị khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, tỷ suất lợi nhuận thu được từ mô hình ước đạt không dưới 50% tổng nguồn thu từ bán rau. Hiệu quả sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm của mô hình đã được khẳng định, nhưng vấn đề quan tâm là khả năng nhân rộng phương thức canh tác này như thế nào? Ths.Vương Thị Mỹ Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết đây là mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, theo tiêu chuẩn VietGAP kết hợp ứng dụng công nghệ cao, một xu thế tất yếu hiện nay đang được xã hội quan tâm, cần được nhân rộng. Việc ứng dụng giải pháp này vào sản xuất vừa bảo đảm sản phẩm an toàn, vừa giảm chi phí sản xuất (không phun hoặc giảm lượng phun thuốc bảo vệ thực vật, không lãng phí chất dinh dưỡng và nước), góp phần giảm giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận cho người trồng. Với vốn đầu tư ban đầu gồm nhà lưới và hệ thống tưới nhỏ giọt không quá cao (tùy theo điều kiện, khả năng mà mức độ đầu tư khác nhau) nên mô hình hoàn toàn có thể nhân rộng trong thời gian tới. Từ định hướng như thế, trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm đã giới thiệu, tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau theo phương pháp và công nghệ trên; tổ chức cho nông dân tham quan mô hình. Sau thành công của mô hình, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện thêm một số mô hình như thế này; đồng thời tiến hành chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Trên thực tế, thời gian qua, Trung tâm đã nhận được một số yêu cầu về chuyển giao kỹ thuật, công nghệ như thế này vào sản xuất rau. Vấn đề quan tâm còn lại là đầu ra của sản phẩm. Thế nhưng, cũng theo Ths.Thanh, nếu sản xuất theo phương thức canh tác tốt, sản phẩm đạt chất lượng thì không lo không có đầu ra; bởi nhu cầu rau an toàn, chất lượng nói riêng và nông sản nói chung tại siêu thị, doanh nghiệp rất lớn. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ rau theo phương thức canh tác tốt này đang có thêm triển vọng mới. Đó là hiện tại Trung tâm đang lắp đặt hệ thống sơ chế nông sản theo phương thức canh tác tốt. Sau khi hệ thống hoàn thành, Trung tâm dự kiến sẽ liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ và tiến hành thu mua những nông sản của các cá nhân, tổ chức áp dụng phương thức canh tác tốt, nhất là các mô hình do Trung tâm chuyển giao kỹ thuật. “Trước mắt, Trung tâm được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ đầu ra của sản phẩm từ mô hình. Song, về lâu dài, Trung tâm sẽ mở rộng các đầu mối tiêu thụ như cung ứng rau, quả cho các doanh nghiệp đầu mối, siêu thị, trường học… nhằm tăng cường giải quyết đầuu ra cho nông sản “sạch”, thúc đẩy phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững” - Ths. Thanh cho biết. N.VĂN báo Ấp Bắc
Nhân đàn thiên địch từ rau VietGAP
Nhân đàn thiên địch từ rau VietGAP Áp dụng các giải pháp sinh học trong canh tác rau VietGAP, nông dân Lâm Đồng có thể xác định các loài thiên địch để...
Không công nghệ cao, gạo Campuchia vẫn ngon nhất thế giới
Không công nghệ cao, gạo Campuchia vẫn ngon nhất thế giới GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Việt Nam   GS Võ Tòng Xuân cho rằng, dù khô...