Kỹ thuật bón lót phân trước khi gieo sạ Sản xuất lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung hiện nay chiếm phần lớn trong hoạt động kinh tế cả nước. Tuy nhiên các nhà khoa học chỉ đích danh hoạt động này đã phần nào gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Trong đó, việc sử dụng phân bón hóa học vô tội vạ đã làm tăng phát thải khí N2O - loại khí thải nguy hiểm nhất. Việc sản xuất lúa hiện nay đa số người dân đang lạm dụng phân bón, dẫn đến gia tăng chi phí sản xuất mà lợi nhuận không tăng. Hơn nữa việc bón phân dư thừa đễ gây nên dịch hại trên ruộng lúa như bệnh đạo ôn, đốm vằn, sâu cuốn lá… Từ đó đặt ra vấn đề cần có biệt pháp bón phân hiệu quả, bảo vệ môi trường và gia tăng năng suất cho người dân. GS.TS Võ Tòng Xuân (hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ) đã tìm ra lời giải cho bài toán giảm phân bón, giảm phát thải khí nhà kính mà lại làm tăng lợi nhuận, đó là “bón lót phân trước khi gieo sạ”. Nông dân tỉnh Đồng Tháp đã áp dụng giải pháp này trong hai vụ lúa liên tục. Kết quả thu được rất khả quan: giảm được 30% phân bón, lợi nhuận tăng thêm 5 triệu đồng/ha. Việc bón lót từ lâu đã khá quen thuộc với người dân, tuy nhiên chỉ là nghe – biết chứ ít ai nắm được kỹ thuật cũng như áp dụng ngoài đồng ruộng. Cuối năm 2015, GS.TS Võ Tòng Xuân đến gặp nông dân các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... để vận động họ áp dụng kỹ thuật mới: bón lót phân trước khi gieo sạ (còn gọi là bón lót). Ông Xuân nói “Chỉ có cách giảm giá thành sản xuất thì mới tăng được lợi nhuận và tồn tại được. Tôi cam đoan giải pháp bón lót phân trước khi gieo sạ sẽ làm giảm chi phí sản xuất từ 30-50%”. Theo ông Xuân, ở VN chưa có nơi nào làm như vậy. Khi ông đưa giải pháp này đến nông dân thì họ phản ứng ngay, chỉ muốn trồng lúa theo kinh nghiệm kiểu cha truyền con nối.

alt

GS.TS Võ Tòng Xuân và chuyên gia nông nghiệp Úc tại cánh đồng xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

Nghe ở HTX nông nghiệp An Phong ở xã Mỹ Hòa và Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp có một nhóm nông dân trẻ nhưng rất giỏi về kỹ thuật trồng lúa, ông đã lặn lội tìm đến tận nơi để làm quen. Thấy những người này rất mê nghiên cứu và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào đồng ruộng, ông liền đề nghị họ thử áp dụng giải pháp của mình, với cam kết: “Nếu các anh không lời nhiều hơn trước thì tôi đền”. 13 nông dân ở đây gật đầu, đưa 20ha vào áp dụng kỹ thuật mới. Vì sao nên bón lót phân trước khi gieo sạ? Ông Xuân giải thích: chất đạm (N vô cơ, nông dân hay gọi là phân urê) rất cần thiết cho cây trồng, vì nó là thành phần quan trọng của nhiều phân tử sinh học như: protein, axit hạt nhân, diệp lục tố. Thiếu đạm cây sẽ vàng lá, kém phát triển. Dư đạm thì cây phát triển um tùm, nhưng chất lượng rất kém. “Lạm dụng phân đạm không chỉ làm giảm chất lượng lúa gạo mà còn làm đất bị thoái hóa nhanh” - ông Xuân nói. Các nghiên cứu cho thấy khi bón phân kiểu truyền thống, tức là bón trên ruộng có lúa và ngập nước, thì có hơn 60% lượng N bị bốc hơi trở lại bầu khí quyển. Cây trồng chỉ hấp thụ được 1/3. Vì thế nông dân phải bón nhiều lần rất tốn kém. Trong khi đó, các thí nghiệm vùi phân đạm sâu xuống đất thì cây trồng sẽ hấp thụ được 2/3 nguyên tố N. Ông Xuân quyết định bón phân hỗn hợp DAP và kali trước trục làm mặt ruộng bằng phẳng, sau đó mới gieo sạ. Ông giải thích: “Những lá đất sét có điện tích âm sẽ hút chặt các nguyên tố dinh dưỡng có điện tích dương, nên hỗn hợp phân bón không bị thất thoát. Khi cây lúa lớn lên, rễ ăn xuống đất thì gặp ngay chất dinh dưỡng có sẵn, nên sẽ phát triển tốt và ổn định” - ông Xuân nói. Theo hướng dẫn của GS.TS Võ Tòng Xuân, nông dân HTX An Phong tiến hành xới đất, trục nhuyễn, rồi bón 130kg DAP và 50kg kali, sau đó trục lại lần nữa để vùi phân sâu dưới đất. Xong, gieo sạ bằng phương pháp sạ hàng chỉ với 80-100kg/ha. 10 ngày sau sạ, và 22 ngày sau bón tiếp 50kg phân urê (đạm). Khi lúa được 44 ngày thì bón 50kg phân urê và 50kg kali để đón đòng. Lúa được 74 ngày thì bón 20kg phân urê nữa là xong. Giữa tháng 5-2016, nông dân ở HTX An Phong thu hoạch lúa hè thu. Anh Nguyễn Quốc Nguyên cho biết áp dụng kỹ thuật của GS.TS Võ Tòng Xuân đã giúp anh và nông dân ở đây tiết kiệm được 50kg phân urê, 72kg phân super lân và 17kg phân kali/ha so với cách bón phân truyền thống trước đây. Quy ra tiền thì tương đương 1,1 triệu đồng. Ngoài ra, còn giảm được 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, nên tiết kiệm thêm 2,3 triệu đồng. Tổng chi phí đầu tư 17,4 triệu đồng/ha. Năng suất của những nông dân áp dụng kỹ thuật này đều đạt khoảng 7,5 tấn/ha, lợi nhuận đạt 23,5 triệu đồng/ha. Anh Nguyên phấn khởi: “Tụi tui lời nhiều hơn người khác gần 5 triệu đồng/ha. Đây cũng là số tiền tiết kiệm được từ việc giảm bón phân, phun thuốc”. Ông Lưu Văn Tuấn ở ấp 6A, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười có 3,5ha ruộng ở khá xa nơi thử nghiệm cách bón lót phân trước khi gieo sạ của GS.TS Võ Tòng Xuân. Khi biết tin ông Xuân hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân HTX An Phong, ông đến xem, ghi chép rồi về nhà áp dụng theo. Chi phí bón phân, phun thuốc giảm tới 5 triệu đồng/ha và năng suất cũng đạt 7,5 tấn/ha, nên vụ này ông lời khá đậm. Ông Tuấn quả quyết các vụ tới tất cả anh em, bạn bè của ông sẽ từ bỏ hẳn cách sản xuất cũ mà chuyển sang bón lót phân trước khi gieo sạ. “Làm theo GS.TS Võ Tòng Xuân vừa khỏe hơn, ít tốn kém hơn mà lời nhiều hơn, ai mà không ham chứ!” - ông Tuấn nói. Ông Huỳnh Minh Thuận, giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp, cho biết qua hai vụ áp dụng cách bón phân trước khi gieo sạ tại huyện Tháp Mười đã chứng minh hiệu quả rất cao. Từ vụ tới ngành nông nghiệp sẽ nhân rộng cách làm này ra các huyện khác. Cán bộ kỹ thuật của tỉnh, huyện sẽ trực tiếp hướng dẫn nông dân làm để đạt kết quả tốt nhất. GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết ngành nông nghiệp cần lấy mẫu đất của từng vùng phân tích để biết đất thiếu chất gì mà bổ sung cho vừa đủ. Khi đó lượng phân bón sử dụng sẽ còn ít hơn, lợi nhuận của nông dân tăng cao hơn nữa. Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính. Sáu loại khí chủ yếu gây nên hiện tượng nhà kính bao gồm: CO2, CH4, N2O, HFCs, PFCs và SF6. Trong đó N2O phát thải từ phân bón và các hoạt động công nghiệp. Và đây cũng là chất nguy hiểm nhất vì tuổi thọ của khí N2O trên tầng khí quyển lên tới 114 năm, trong khi khí CO2 chỉ có 100 năm. Cách bón phân truyền thống không chỉ lãng phí (cây lúa chỉ hấp thụ 1/3) mà còn góp phần hủy hoại môi trường. Ước tính lĩnh vực nông nghiệp chiếm tới 12,5% trong số các hoạt động có phát thải khí nhà kính. Bón phân vô cơ trước khi gieo sạ vừa giúp cây hấp thụ hết, vừa giảm lượng phân bón. Nếu được thì nên sử dụng phân hữu cơ, đó là hành động cụ thể để bảo vệ bầu khí quyển của chúng ta Dương Văn Thơm Phòng Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ TT Ứng dụng Nông nghiệp CNC tỉnh Đồng Tháp
Đổ xô trồng cây sachi: Canh bạc mạo hiểm
(GLO)- Dù chưa biết sau khi thu hoạch sẽ bán cho ai, nhưng thời gian qua, nhiều hộ dân tại huyện Đak Đoa và Mang Yang đã mạo hiểm đầu tư trồng cây sac...
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CAM QUÝT
KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY CAM QUÝT Giới thiệu một số giống cam, quýt được trồng phổ biến ở nước ta và kỹ thuật trồng và chăm sóc cam. I. Giới thi...